CHĂM “BÀ ĐẺ” THẾ NÀO CHO CHUẨN?

Sau khi “vượt cạn” thành công, sản phụ cần được chăm sóc một cách chu đáo.

Hiện nay, nhiều bà mẹ sau khi sinh thường vẫn được người nhà chăm sóc theo kinh nghiệm của những người đi trước mà quên mất rằng có những điều được truyền tai nhau chưa hẳn đã là đúng. Thậm chí ngay cả sản phụ cũng có nhiều người vẫn còn những quan niệm sai lầm khi chăm sóc bản thân sau khi sinh em bé.

Những kiến thức cơ bản và cần thiết khi chăm sóc sản phụ sinh thường để các mẹ cùng tham khảo.

1. Chăm sóc sức khỏe sản phụ

Bổ sung dinh dưỡng

   - Bổ sung sắt:

Hầu hết phụ nữ sau khi sinh đẻ đều do mất máu mà tiêu hao khoảng 200mg sắt. Sau khi sinh nếu không được hấp thu, bổ sung lượng sắt đã mất người mẹ sẽ bị thiếu sắt dẫn đến thiếu máu. Điều này gây nhiều khó khăn cho sự phát triển của trẻ sơ sinh trong giai đoạn bú sữa.

Vì thế, sau khi sinh người mẹ cần ăn nhiều thực phẩm giàu sắt như: mộc nhĩ đen, táo đỏ, gan động vật, đường đỏ, các chế phẩm từ đậu.

   - Bổ sung vitamin:

Sau khi sinh, các bà mẹ cần bổ sung nhiều vitamin hơn so với thời kì mang thai để có thể khôi phục lại sức khỏe ban đầu, mặt khác còn có thể thúc đẩy tiết sữa, đáp ứng đầy đủ nhu cầu phát triển của bé yêu.

Chính vì vậy, các mẹ cần bổ sung thêm nhiều loại thực phẩm giàu vitamin như: cà chua, các loại đậu, rau cải, củ cải,... vào trong thực đơn hằng ngày của mình nhé.

 - Bổ sung nhiệt lượng:

Sau khi sinh mỗi ngày người mẹ cần bổ sung nhiệt lượng khoảng 12.540 – 16.720Kcal, vì thế việc tăng cường hấp thu nhiệt lượng là rất cần thiết.

Các mẹ có thể ăn các loại thực phẩm giàu nhiệt lượng như: gạo, ngô, thịt dê, thịt lợn nạc, thịt bò…

 - Bổ sung protein:

Protein giàu acid amino, có tác dụng tốt để khôi phục các cơ quan, tổ chứa trong cơ thể. Đối với phụ nữ mới sinh thì mỗi ngày tiết sữa sẽ tiêu hao mất 10 – 15g protein, vì thế nhu cầu về protein của người mẹ mới sinh luôn luôn cao, mỗi ngày cần hấp thu khoảng 90 - 100g protein.

Các mẹ nên ăn thêm trứng gà, các loại thịt, cá, chế phẩm từ đậu… Đây là những thực phẩm giàu protein.

 - Bổ sung chất béo:

Việc bổ sung chất béo là rất quan trọng đối với phụ nữ mới sinh, vì nếu mỗi ngày hấp thu lượng chất béo dưới 1g thì sẽ giảm hàm lượng chất béo có trong sữa mẹ, như vậy sẽ ảnh hưởng đến chất lượng sữa cho con bú, từ đó ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ sơ sinh.

Một số loại thực phẩm giàu chất béo mà các mẹ không nên bỏ qua: gà, giò heo, cá,...

 - Bổ sung canxi:

Người mẹ mới sinh mỗi ngày sẽ tiêu hao khoãng 300mg canxi, nếu lượng canxi không được cung cấp đầy đủ cho cơ thể thì sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe của người mẹ và trẻ sơ sinh.

Vì vậy, trong thời gian cho con bú, tốt nhất các mẹ nên ăn những loại thực phẩm giàu canxi  như: Tảo tía, sữa bò, rong biển, vừng đen,... để bổ sung lượng canxi cần thiết cho cả mẹ và bé nhé.

Giấc ngủ ngon rất quan trọng đối với sức khỏe của sản phụ (Hình minh họa)

Giấc ngủ

Trẻ sơ sinh sẽ ngủ khoảng 20 giờ mỗi ngày nhưng đó lại là những giấc ngủ ngắt quãng, mỗi giấc ngủ có thể kéo dài từ 1 – 4 giờ.

Hãy tranh thủ ngủ cùng bé khi bé đang "say sưa" dù công việc có bận rộn đến thế nào các mẹ nhé. Tuy nhiên, nếu bạn là người rất khó ngủ và không thể ngủ ngắn như vậy được thì hãy nhờ người thân trông nom bé và dành cho mình một giấc ngủ vào một thời điểm nào đó thực sự thuận lợi trong ngày.

Sản phụ không nên cố ôm đồm tất cả mọi việc mà hãy chia sẻ với những người xung quanh, đặc biệt là người chồng. Đừng cố gắng đến kiệt sức mà hãy biết giữ gìn sức khỏe của mình để chăm sóc con một cách tốt nhất nhé.

Nên bố trí giường ngủ ở nơi thoáng khí và yên tĩnh. Không nên dùng các loại thuốc ngủ tân dược như Seduxel, Gardenal… để trị chứng mất ngủ đối với các bà mẹ thường xuyên bị mất ngủ hoặc mất ngủ kéo dài, vì các thuốc này đều tiết ra sữa ảnh hưởng không tốt đến trẻ.

Để sản phụ dễ ngủ, có thể ăn hạt sen, củ sen hầm với thịt, uống trà tâm sen hoặc dùng các loại thảo dược có tác dụng an thần, dễ ngủ.

Vệ sinh cơ thể

Sau sinh, sản phụ sẽ thấy có nhiều sản dịch. Đây chính là máu ra sau sổ rau. Thường trong giờ đầu sau đẻ, lượng máu có thể lên đến 100ml, lúc này sản phụ nên đóng bỉm to. Những ngày sau đó có thể dùng băng vệ sinh bình thường và nên thường xuyên thay rửa.

Nếu thấy lượng máu ra quá nhiều, quá nhanh, sản phụ cần báo ngay cho bác sĩ để tránh nguy cơ bị băng huyết. Nếu sinh xong, sản phụ thấy rất ít hoặc không có sản dịch thì cũng nên lưu ý bởi nếu dịch không thoát ra được, tử cung khó co lại dễ gây nhiễm trùng hậu sản, dẫn đến nguy cơ nhiễm trùng huyết.

Vệ sinh vùng âm hộ ít nhất là 3 lần/ngày vào sáng, chiều và tối trước khi đi ngủ. Nếu sản dịch ra nhiều, sản phụ nên vệ sinh nhiều lần hơn. Các loại băng, giấy vệ sinh, khăn, nước rửa cũng phải sạch sẽ, tốt nhất nên dùng nước đun sôi để nguội hoặc nước ấm. Có thể dùng dung dịch vệ sinh sát khuẩn pha loãng để rửa. Sau khi rửa xong thì dùng khăn thấm cho khô…

Sản phụ có thể tắm gội toàn thân 3 - 4 ngày sau sinh. Khi tắm, nên tắm nhanh từ 5 - 10 phút, không nên tắm trong bồn hay trong chậu (đặc biệt là không nên ngâm mình trong nước). Phòng tắm phải kín gió và nên tắm bằng nước ấm dù ngoài trời nóng hay lạnh. Tắm xong phải lau khô người thật nhanh và mặc quần áo kín cổ, tay chân.

Cũng từ 3 - 4 ngày sau sinh, sản phụ có thể gội đầu nhưng nên gội nhanh và lau đầu cho nhanh khô, tốt nhất là dùng máy sấy để sấy khô tóc. Không tắm gội cùng lúc, nên tắm tầm 9 - 10 giờ sáng rồi gội đầu vào buổi trưa hoặc xế trưa để tránh phải tiếp xúc lâu với nước, tránh bị chóng mặt và có thể té ngã do phải vận động nhiều và cúi đầu lâu.

Giữ ấm

Sau khi sinh, người mẹ và bé sơ sinh cần được giữ ấm thật tốt. Tuy nhiên, không nên sử dụng than để giữ ấm vì khí thải khi đốt than sẽ dễ gây ngộ độc cho cả mẹ và bé, nhất là khi ở trong buồng kín. Hơn nữa, sử dụng than có thể làm bé bị bỏng do không thể điều chỉnh được nhiệt độ của than.

Sản phụ sau sinh nằm trong phòng quá kín cũng như mặc thật nhiều quần áo có thể gây bất lợi cho cả mẹ và bé.

Bên cạnh đó, cả mẹ và bé đều cần được tắm nắng mỗi ngày để giúp cho cơ thể mẹ phục hồi sức khỏe và giúp bé mau phát triển. Tốt nhất là mẹ và bé nên tắm nắng trước 8h, và không nên tắm nắng quá 30 phút. 

Lưu ý không nên tắm nắng sau cửa kính vì kính ngăn cản sự thâm nhập của tia tử ngoại. Các nhà khoa học cũng đã chứng minh rằng, tia tử ngoại có tác dụng khử trùng, vì vậy nên để ánh sáng mặt trời trực tiếp chiếu vào phòng mỗi ngày.

Tuy nhiên, cơ thể người phụ nữ sau sinh rất yếu, sức đề kháng cũng kém hơn bình thường. Do đó, không nên hoạt động mạnh và cần chú ý giữ ấm hơn bình thường. Nhiệt độ lý tưởng cho cả mẹ và bé trong phòng ngủ là 25 độ C.

Nhiệt độ lý tưởng cho mẹ và bé trong phòng ngủ là 25 độ C (Hình minh họa)

Chăm sóc bầu vú

Khi mang thai ở 3 tháng cuối, thai phụ đã bắt đầu có sữa non. Sinh xong khoảng 2-3 ngày, thai phụ sẽ có sữa trưởng thành.

Có nhiều người sẽ thấy vú cương cứng và nhầm là bị tắc tia sữa. Thực ra, hiện tượng này sẽ hết sau vài lần bé bú.

Đừng vì thấy sữa mẹ chưa về mà cho bé bú bình ngay, dẫn đến sau này bé không quen bú mẹ, khiến mẹ tức sữa, con không bú và sẽ gây tắc thật.

Ngoài ra, để giảm đau tức, các bà mẹ nên đứng tắm dưới vòi hoa sen, mát-xa nhẹ nhàng và bóp nhẹ ở quầng nâu của vú.

Nếu đau quá, bạn có thể dùng đèn hồng ngoại chiếu mỗi bên nửa tiếng kết hợp với xoa bóp nhẹ nhàng. Nếu đau núm vú do bé bú, rứt, chị em có thể dùng núm vú giả để hỗ trợ.

2. Những điều sản phụ nên tránh

- Người mẹ có thể ăn theo khẩu vị thường ngày nhưng không nên ăn mặn, tránh các gia vị có mùi nồng cay có thể ảnh hưởng đến mùi vị của sữa mẹ khiến trẻ chê không bú như hành, tỏi, tiêu, ớt…

- Hạn chế ăn đồ lạnh, hải sản trong 6 tuần đầu sau sinh.

- Nên tránh các thức uống có cồn và chất kích thích.

- Tránh hút thuốc, uống rượu, dùng thuốc xổ, kháng sinh và các tloại thuốc có thể qua sữa mẹ. Nếu mẹ tiếp xúc với chất độc (thuốc trừ sâu, rượu, thuốc lá, hơi chì…) hoặc dùng các loại thuốc có trọng lượng phân tử nhỏ (chloramphenicol, nitrofurantoin, sulfonamide, tetracycline, thuốc chống ung thư, nội tiết tố…) các chất này có thể từ máu mẹ vào sữa và gây ngộ độc cho trẻ.

- Nên tránh áp dụng chế độ kiêng giảm cân trong thời kỳ cho con bú, bởi vì có nguy cơ lượng các chất dinh dưỡng trong sữa không đủ, khiến trẻ thiếu chất, chậm phát triển.

- Ngồi nhiều để cho con bú: Cơ thể người phụ nữ vừa mới sinh còn yếu, xương cốt vừa phải trải qua một trận “tập dượt” khá nặng nên chưa thể trở lại ngay trạng thái bình thường. Nếu ngồi nhiều sẽ dễ mắc chứng đau lưng kinh niên và khiến cho tử cung có thể bị sa.

- Dùng bông gòn nhét vào tai trong thời gian dài: Các mẹ có thể sẽ dần mất đi khả năng lắng nghe và cảm thấy rất ù tai với tiếng động xung quanh nếu nhét bông gòn vào tai trong thời gian dài.

- Nằm gác chéo hai chân lên nhau để âm đạo khép lại: Tư thế này ngăn sản dịch thoát ra ngoài, không tốt cho sản phụ. Tư thế nằm đúng là duỗi thẳng, hai chân khép sát vào nhau.

- Đốt than sưởi: Tuyệt đối không nên đốt than trong phòng vì khí than có thể gây ngạt thở và ngộ độc não.

- Ngại “gần gũi” chồng: Nhiều phụ nữ từ khi có con do quá mải chăm sóc con mà xao nhãng “chuyện ấy” với chồng là điều không nên, vì hậu quả của nó đôi khi rất khó lường.

(Khampha.vn)

< Trở lại

Tin liên quan

Hiện nay không có các mục tin tức.